Loading
Bg-img

Bí kíp phát hiện camera ẩn trong phòng khách sạn

Không gian riêng tư có thật sự thuộc về bạn khi bước vào phòng khách sạn? Một góc nhìn khiến bất cứ ai cũng phải giật mình và nhìn lại thật kỹ.

Bí kíp phát hiện camera ẩn trong phòng khách sạn

Có những điều nghe thôi đã thấy rợn người, như việc đang nằm thảnh thơi trong khách sạn, tung chăn xem phim rồi đột nhiên nghĩ… "Ơ, nếu có ai đó đang âm thầm xem mình thì sao?". Chuyện tưởng chừng chỉ có trong phim trinh thám Hollywood, ai ngờ lại hiện diện giữa đời thường, len lỏi dưới lớp vỏ tiện nghi lộng lẫy của những căn phòng "đẹp long lanh, giá hợp lý, vị trí trung tâm". Thế mới nói, du lịch không chỉ là chuyện xách vali lên và đi, mà còn là hành trình học cách tự bảo vệ mình giữa một thế giới ngày càng thông minh… đến đáng ngờ.

Không phải ai cũng biết rằng chỉ cần một chiếc camera nhỏ bằng đầu ngón tay, người ta có thể giấu nó trong bất cứ thứ gì quen thuộc trong phòng: Đầu báo cháy, ổ cắm điện, đồng hồ treo tường, cục sạc dự phòng hay thậm chí… mắt gấu bông đặt cạnh giường. Điều đáng sợ hơn là không phải chiếc camera nào cũng có đèn chớp đỏ như phim Hàn. Có những thiết bị ghi hình siêu nhỏ, quay lén cả ngày không sợ hết pin, lại còn truyền trực tiếp về máy chủ ở đâu đó cách bạn hàng trăm cây số. Và tất nhiên, người thuê phòng chẳng hề hay biết. Đó là lý do vì sao, mỗi khi bước vào phòng khách sạn, điều đầu tiên nên làm… không phải là check-in sống ảo, mà là check, check mức độ riêng tư trước.

Ánh sáng dịu, ga giường thơm, nội thất sang chưa chắc đã là dấu hiệu an toàn. Thay vì mải say sưa với cảm giác "nơi này xịn quá", thử nhìn quanh bằng ánh mắt của một người nghi ngờ nhẹ. Hãy tắt hết đèn, kéo kín rèm và bật camera điện thoại lên chế độ quay phim hoặc chụp hình ban đêm. Di chuyển chậm và quan sát kỹ những góc tường, trần nhà, thiết bị điện tử xem có đốm đỏ hay xanh nào nhấp nháy hay không. Đó có thể là ánh sáng phản chiếu từ ống kính camera đang lặng lẽ hoạt động. Nếu ngại phức tạp, có thể dùng đèn pin điện thoại rọi kỹ từng khu vực đáng ngờ, từ lỗ thông gió đến các đồ vật trang trí bất thường. Nơi nào có ánh sáng phản chiếu khác thường hoặc cảm giác "hơi sai sai" thì nên kiểm tra kỹ hơn.

Một mẹo cực hay mà dân du lịch chuyên nghiệp truyền tai nhau chính là dùng ứng dụng dò thiết bị phát sóng. Có rất nhiều app miễn phí cho cả Android và iOS như Fing, Hidden Camera Detector, Network Scanner… Những ứng dụng này có thể quét sóng Wi-Fi và Bluetooth trong phòng, phát hiện xem có thiết bị lạ nào đang âm thầm truyền dữ liệu hay không. Thường thì camera ẩn sẽ dùng kết nối không dây để truyền video ra ngoài, vậy nên nếu danh sách thiết bị hiện lên có thứ gì đó tên "IP_Cam", "Spy_Cam", "Xiaomi_Security_001", hoặc đơn giản là một mã MAC lạ lùng… thì không nên chủ quan.

Không ít người lầm tưởng rằng chỉ phòng thuê giá rẻ mới tiềm ẩn nguy cơ bị quay lén. Sự thật thì… sang chảnh đến đâu cũng có thể "ăn cú lừa". Rất nhiều vụ lùm xùm từng xảy ra ở những khách sạn 4 - 5 sao, căn hộ dịch vụ cao cấp hay homestay "có tâm", khi chính chủ nhà lắp camera để "bảo vệ tài sản", nhưng vô tình (hoặc cố tình) để chúng chiếu thẳng vào phòng tắm hoặc giường ngủ. Nên nếu thấy camera an ninh lộ rõ trong phòng, đừng ngại yêu cầu dời vị trí hoặc tắt hoàn toàn. Đặc biệt, nếu thấy camera hướng vào khu vực riêng tư mà chủ chối loanh quanh, đó là lúc nên… đổi chỗ ở luôn cho lành.

Có một chiêu đơn giản nhưng hiệu quả đến không ngờ: dùng gương để soi. Những tấm gương 2 chiều, loại mà một mặt là gương, mặt kia là cửa sổ cho người khác nhìn vào – trông bề ngoài y hệt gương bình thường. Nhưng nếu áp ngón tay lên và thấy hình phản chiếu không khớp (tức có khoảng cách), đó là gương thật. Ngược lại, nếu ngón tay chạm thẳng vào "chính mình", rất có thể là gương 2 chiều. Trong tình huống đó, hãy lấy khăn hoặc áo khoác che lại, hoặc đơn giản là… chuyển phòng.

Ngoài các thiết bị công nghệ, còn một yếu tố rất quan trọng đó là linh cảm. Cảm giác bất an đôi khi không phải là do quá đa nghi, mà là vì có điều gì đó không ổn thật. Một chiếc đồng hồ đặt lẻ loi ở góc bàn, một chiếc báo cháy gắn ngay sát giường, một ổ cắm vừa đủ để gắn camera, tất cả đều có thể là lời nhắc từ trực giác. Nếu thấy nghi ngờ, hãy tháo pin thiết bị đó hoặc nhờ lễ tân kiểm tra giùm. Có lần, một vị khách tinh ý phát hiện camera gắn bên trong… đèn ngủ mini. Cô ấy đã tháo ra và gọi công an ngay trong đêm, sau đó phát hiện chủ nhà từng bị tố cáo nhiều lần nhưng chưa bị xử lý.

Không phải ai cũng mang theo đồ nghề chống quay lén trong vali, nhưng ai cũng có thể tự trang bị cho mình kỹ năng và sự tỉnh táo. Trong thế giới số, sự riêng tư đôi khi mong manh hơn ta tưởng. Và đáng sợ nhất không phải là bị quay lén, mà là không biết mình đang bị quay. Những khoảnh khắc ngồi đọc sách trong khăn tắm, hay nằm lăn ra giường thở sau chuyến đi dài tưởng là riêng tư tuyệt đối, hoá ra lại đang hiện hữu trong một đoạn video ở đâu đó trên internet.

Nhưng cũng đừng quá sợ hãi rồi mất hết niềm vui du lịch. Hành trình nào cũng đáng giá, miễn là đừng đánh đổi sự an toàn chỉ vì sự chủ quan. Kiểm tra một chút, cảnh giác một chút, rồi sau đó ta vẫn có thể tung tăng khám phá, check-in những góc đẹp như mơ mà không lo có ánh mắt nào lén lút phía sau. Vì cảm giác an toàn chính là "bộ lọc làm đẹp" tuyệt nhất cho mọi bức ảnh du lịch.

Ai cũng mong có một chuyến đi trọn vẹn không chỉ đẹp trong ảnh, mà còn an yên trong từng khoảnh khắc. Và đôi khi, sự an yên ấy bắt đầu từ những điều tưởng nhỏ mà không hề nhỏ chút nào, một cái liếc nhìn kỹ hơn, một cú quét mạng cẩn trọng hơn, một chút nghi ngờ đúng lúc… để bảo vệ chính mình giữa muôn vàn điều bất định của thế giới này.

Tú Linh
Chia sẻ